Nếu nhìn một cách dài hạn, một đô thị phát triển không thể thiếu nhà cao tầng. Giao thông cộng cộng và nhà cao tầng phát triển trong đô thị nén phải đi đôi với nhau.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam” do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 5/6/2018 tại Hà Nội.
Hội thảo quy tụ hàng chục chuyên gia từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong… và các chuyên gia uy tín tại Việt Nam.
Xây nhà cao tầng… không sai
Tại hội thảo, KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc các toà nhà cao tầng hiện diện trong lòng các đô thị Việt Nam như hiện nay là một sự tất yếu của quá trình đô thị hoá và phát triển hội nhập với toàn cầu. Nhờ đó hàng triệu người dân ở các đô thị lớn Việt Nam có cơ hội tiếp cận với một nơi ở riêng cho mình.
Phát triển các công trình cao tầng nhất là các công trình cao tầng đa chức năng (có chức năng sử dụng hỗn hợp) có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất đai, giảm thiểu sử dụng đất đai và bảo tồn cảnh quan sinh thái. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu của một đô thị phát triển bền vững.
Ông Chính cũng dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát triển không gian. Cách làm này vừa phù hợp với việc tái cấu trúc không gian đô thị mà vẫn không làm thay đổi hệ số sử dụng đất và quan trọng là không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông.
Trước thông tin nhà cao tầng làm tăng nhu cầu giao thông, ông Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Fulbright tỏ quan điểm không đồng tình. Ông cho rằng nhà ống dày đặc mới chính là một trong những nguyên nhân chính của trục trặc ở các đô thị lớn tại Việt Nam, trong khi những tòa nhà chung cư theo hướng nén (mật độ cao) kết hợp với giao thông công cộng mới là giải pháp.
“Tôi cho rằng nếu cấm xây thêm nhà cao tầng ở khu trung tâm là không hợp lý vì nó cùng với xu hướng chuyển từ xe máy sang xe ô tô hiện tại sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Cấu trúc đô thị nhà ống hiện nay chỉ phù hợp với giao thông cá nhân, nhất là xe máy. Muốn giải quyết vấn đề, cần phải “vun người” lại bằng nhà cao tầng gắn với việc xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn” – ông Du cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đỗ Dũng – Nhà quy hoạch từ CPG Consultants (Singapore) cho rằng, nếu nói về câu chuyện mật độ phải xem lại năng lực giao thông. “Có thể các chuyên gia lo ngại vấn đề hạ tầng đã xuống cấp và đường xá kẹt thì không thể tăng mật độ. Tôi đồng ý với câu chuyện này. Thế nhưng với mật độ tương đương, chúng ta chuyển thành chung cư rõ ràng sẽ có rất nhiều không gian trống làm đường đi, làm công trình tiện ích để giảm kẹt xe” – ông Dũng cho biết.
Quản lý bằng chuyên môn thay vì cảm tính
Cá nhân ông Dũng cũng bày tỏ quan điểm, bản thân việc xây nhà cao tầng không có gì sai và không có gì xấu. Cái sai và xấu ở đây là việc chúng ta xen kẹt nhà cao ốc vào các khu hiện hữu và làm gia tăng mật độ dân số. Còn về nguyên tắc, trên thế giới không có nước nào cấm xây nhà cao tầng cả trừ khi vì lý do bảo tồn cảnh quan và công trình lịch sử như khu trung tâm Paris.
Ông Dũng dẫn chứng, Bắc Kinh là ví dụ điển hình cho việc xây nhà cao tầng là chủ yếu nhưng mật độ cực kỳ thưa. Vì họ có những quy định cụ thể như phải đảm bảo các công trình nhận được nắng chiếu vào trong số giờ nhất định vào mùa đông nên khoảng cách các toà nhà rất xa nhau dẫn đến mật độ thưa, dù toàn nhà cao tầng cả.
“Như vậy, rõ ràng tầng cao không phản ánh bức tranh về mật độ dân số, cần phải tách bạch hai câu chuyện ra. Thứ nhất là phải bàn câu chuyện mật độ dân cư và thứ hai là câu chuyện hình thức công trình. Nó không nhất thiết liên quan đâu. Và vì thế, quản lý nhà nước phải quản lý bằng vấn đề chuyên môn chứ không thể quản lý bằng cảm tính” – ông Dũng phân tích.
Tại hội thảo, Th.S Trần Thanh Ý – Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất cần ban hành quy định nhà ở cao tầng không được phép xây dựng riêng lẻ, phải xây dựng thành từng cụm, từng khu, hoàn thiện về mặt hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, mảng xanh, khoảng trống và các công trình công ích.
“Đối với nhà cao tầng không nên quy định “cứng” về quy mô, cơ cấu và chỉ tiêu diện tích các căn hộ bởi trên thực tế nhu cầu ở của các đối tượng sử dụng là rất đa đạng. Cùng với đó, cơ quan quản lý sớm nghiên cứu ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà cao tầng trong đó có chung cư cao tầng” – bà Ý nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Chính cũng cho biết, chủ đề của Hội thảo đã được báo cáo và xin chỉ đạo của Thủ tướng trước khi diễn ra. “Sau Hội thảo, chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng” – Ông Chính chia sẻ.